Để các bạn hiểu rõ hơn về các phương pháp điều trị tật khúc xạ và làm thế nào để lựa chọn một phương pháp phù hợp nhất với mình, mời các bạn theo dõi cuộc trò chuyện với Thạc sĩ – bác sĩ Phạm Thị Hằng – Trưởng khoa Khúc xạ – Bệnh viện Mắt quốc tế DND.
Chào bác sĩ, khi có tật khúc xạ, người bệnh cần làm gì để bảo vệ đôi mắt của mình?
Đối với những người có tật khúc xạ cần được thực hiện một quy trình khám toàn diện để có được kết quả khám khúc xạ chính xác. Thông qua kết quả này, người có tật khúc xạ sẽ được cấp đơn kính phù hợp để không ảnh hưởng đến việc điều tiết và chất lượng thị giác.
Để bảo vệ đôi mắt của mình, bạn cần xây dựng cho bản thân một chế độ học tập, làm việc hợp lý giúp mắt nghỉ ngơi. Không nên sử dụng máy tính nhiều giờ liên tục, mà trong thời gian làm việc nên cho mắt thư giãn sau mỗi 1 giờ bằng cách: đi lại trong phòng, nhìn xa, nhắm mắt thư giãn. Bên cạnh đó, bạn cần tuân thủ đúng lịch khám định kỳ 3 – 6 tháng một lần. Việc khám mắt định kỳ sẽ giúp bác sĩ tầm soát được các bệnh về mắt, kiểm soát tốt độ khúc xạ và có hướng điều trị phù hợp khi có các vấn đề xảy ra.
Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng thuốc và bổ sung các loại vitamin A, D, vitamin nhóm B, lutein và zeaxanthin …có lợi cho mắt dưới sự chỉ dẫn của bác sỹ. Đặc biệt, trong chế độ dinh dưỡng cần bổ sung nhiều rau xanh, củ quả có màu đỏ để đảm bảo cơ thể và đôi mắt hấp thu được vitamin, các yếu tố vi lượng cần thiết.
Hiện nay trong giới trẻ đang rộ lên trào lưu sử dụng kính áp tròng ban đêm để điều trị cận thị. Bác sĩ đánh giá thế nào về phương pháp điều trị này?
Sử dụng kính áp tròng ban đêm OrthoK là một phương pháp mới điều chỉnh tật khúc xạ với mục đích làm thay đổi công suất giác mạc điều chỉnh giúp mắt nhìn rõ. Phương pháp này được áp dụng cho người có tật khúc xạ tiến triển (độ khúc xạ bị tăng nhanh hàng năm) nhằm duy trì hạn chế tăng số kính, giúp kiểm soát tình trạng khúc xạ ở lứa tuổi dưới 18, hoặc điều trị tật khúc xạ cho những trường hợp trên 18 tuổi mà không muốn phẫu thuật.
Tuy nhiên phương pháp này có một vài hạn chế như: chỉ điều trị được cận thị, loạn thị, chưa điều trị được viễn thị; những bệnh nhân có cơ địa dị ứng hoặc có bệnh lý bề mặt giác mạc như khô mắt cũng không áp dụng được phương pháp điều trị này.
Khi bệnh nhân quyết định đặt kính áp tròng cần phải thực hiện một quy trình khám toàn diện với đầy đủ các thông số về độ khúc xạ, bề dầy giác mạc. Ngoài ra, việc tuân thủ chế độ vệ sinh và tra thuốc cần tuyệt đối theo chỉ định của bác sỹ, bởi đây là việc làm vô cùng quan trọng, giúp phòng tránh tối đa những biến chứng có thể xảy ra trong quá trình sử dụng kính.
Thông thường, các biến chứng về viêm kết mạc gặp phải ở bệnh nhân sử dụng kính áp trong ban đêm ít hơn bệnh nhân sử dụng kính áp tròng ban ngày. Tuy nhiên, một khi đã gặp biến chứng thì vô cùng nghiêm trọng. Vì thế người sử dụng cần hết sức lưu ý và theo dõi thật kỹ những thay đổi của mắt trong quá trình sử dụng kính.
Một lưu ý bạn cần phải biết đó là kính áp trong ban đêm không điều trị được dứt điểm được tật khúc xạ mà đó chỉ là một giải pháp tạm thời. Ngay sau khi bạn ngưng sử dụng kính áp tròng trong vòng 72 giờ thì mắt bạn sẽ trở lại trạng thái cận (hoặc cận loạn thị) bình thường.
Kính áp tròng ban đêm OrthoK tiện dụng nhưng còn tồn tại rất nhiều nhược điểm như vậy, thì đâu là cách điều trị tối ưu?
Tật khúc xạ có nhiều phương pháp điều trị khác nhau, tùy theo độ tuổi, độ khúc xạ, nghề nghiệp, tính chất giác mạc yêu cầu đặc biệt mà quyết định phương pháp nào là phù hợp. Mỗi phương pháp đều có những ưu nhược điểm riêng cần được bác sỹ chuyên khoa khám tư vấn cụ thể.
Thực tế, không có một quy định chung hay bắt buộc nào trong điều trị khúc xạ cho bệnh nhân. Nhưng phương pháp được nhiều bác sỹ, bệnh nhân lựa chọn nhất hiện nay đó là phẫu thuật để điều trị dứt điểm tật khúc xạ.
Với công nghệ ngày càng phát triển, phẫu thuật điều trị tật khúc xạ ngày nay không còn sử dụng dao vi phẫu mà thay vào đó là laser hiện đại như Femto Lasik, ReLEx SMILE. Các phương pháp này được thực hiện nhanh chóng, nhẹ nhàng, an toàn, thị lực phục hồi ngay sau mổ, hạn chế được tối đa các biến chứng trong và sau phẫu thuật.
Vậy điều kiện cần và đủ để có thể phẫu thuật điều trị tật khúc xạ là gì thưa bác sĩ? Phương pháp phẫu thuật nào tốt nhất hiện nay?
Điều kiện cần và đủ để có thể phẫu thuật điều trị tật khúc xạ đó là: bệnh nhân trên 18 tuổi (các trường hợp dưới 18 tuổi muốn phẫu thuật điều trị tật khúc xạ cần phải theo chỉ định của bác sỹ); bệnh nhân có độ khúc xạ ổn định trong vòng 1 năm; độ cận không quá 16 diop; loạn thị dưới 6 diop; viễn thị dưới 7 diop; không có bệnh lý cấp tính tại đáy mắt.
Ba phương pháp phẫu thuật điều trị tật khúc xạ phổ biến hiện nay là Lasik, Femto Lasik và ReLEx SMILE. Trong đó, Femto Lasik và ReLEx SMILE được coi là hai phương pháp có độ an toàn, chính xác dành cho bệnh nhân.
Femto-Lasik là phương pháp phẫu thuật khúc xạ kết hợp công nghệ Laser Femtosecond và Laser Excimer: đầu tiên sử dụng tia Laser Femto tạo vạt giác mạc sau đó chuyển qua hệ thống Laser Excimer điều trị các tật khúc xạ. Việc dùng tia Laser Femto thay cho dao cắt giác mạc truyền thống đã loại bỏ hoàn toàn các biến chứng trong khi tạo vạt giác mạc làm cho phẫu thuật này trở nên an toàn. Chính vì tính ưu việt này, ngày nay tại các nước phát triển, phẫu thuật Femto Lasik đã dần thay thế phẫu thuật Lasik thông thường.
Phẫu thuật ReLEx SMILE là bước đột phá trong công nghệ phẫu thuật khúc xạ. Trong phẫu thuật SMILE (Small Incision Lenticule Extraction) toàn bộ cuộc phẫu thuật được thực hiện bởi Femtosecond Laser siêu nhanh (điều trị laser 23 – 25 giây trên một mắt), có tính chính xác rất cao, đường mổ siêu nhỏ chỉ 2mm, an toàn và thân thiện với người bệnh.
Để lựa chọn được chính xác phương pháp phẫu thuật phù hợp nhất, bệnh nhân cần phải tiến hành khám chuyên sâu. Thông qua quá trình khám bác sĩ sẽ kiểm tra được các thông số về khúc xạ, chiều dày giác mạc, tình trạng đáy mắt và toàn nhãn cầu, từ đó sẽ đưa ra phương pháp phẫu thuật tối ưu nhất trên từng bệnh nhân.