Từ trước đến nay các bệnh lây nhiễm cấp tính luôn được xem là “đại dịch” tuy nhiên bệnh không lây nhiễm do lối sống, do môi trường đang âm thầm tàn phá sức khỏe của con người. Theo đó gần ba phần tư các trường hợp tử vong và phần lớn các trường hợp tử vong sớm xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và thu nhập trung bình.
120.000 trường hợp tử vong/năm vì ung thư
Tại cuộc hội thảo “Thực trạng và các chính sách phòng chống bệnh không lây nhiễm ở Việt Nam” do Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới phối hợp ngày 14/5 tại Hà Nội . Một trong những thông tin được nhiều người quan tâm là số người tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm 75% số trường hợp tử vong trong cả nước.
Các báo cáo tại hội thảo cho biết, bệnh không lây nhiễm, đặc biệt là các bệnh tim mạch, ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn và đái tháo đường là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Tỷ lệ tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm khoảng 2/3 số trường hợp tử vong trên toàn thế giới.
Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 500.000 người tử vong, trong đó có tới 380.000 trường hợp tử vong do bệnh không lây nhiễm, chiếm gần 75%. Riêng việc trị ung thư không đúng cách, mỗi năm nước ta có khoảng 120.000 trường hợp tử vong, đồng thời phát hiện mới 108.000 trường hợp mắc bệnh này, trong đó một nửa số bệnh nhân có khả năng tử vong chỉ trong thời gian ngắn.
Bệnh Ung thư “bị coi thường”
Tại Việt Nam, phần lớn các bệnh nhân mắc bệnh ung thư đến khám khi đã ở giai đoạn muộn, khiến tỉ lệ chữa khỏi bệnh ung thư chưa cao. Điều này một phần do quan niệm sai lầm của người dân khi coi ung thư là căn bệnh chết người. Nhiều bệnh nhân, khi lần đầu tiên nghe tin mình bị ung thư đã rất hoang mang lo sợ và coi đó như một bản án tử hình.
Cũng qua điều tra tại cộng đồng cho thấy tỷ lệ người dân có hiểu biết cơ bản đúng về bệnh ung thư chỉ đạt 35%; 67,2% số người được hỏi cho rằng ung thư là bệnh nan y, việc phát hiện sớm hay muộn cũng như nhau; 35,8% số người được hỏi cho rằng bị ung thư nếu đụng dao kéo và sẽ di căn sớm và chóng chết…
TS.Bs Hoàng Đình Chân, giám đốc chuyên môn Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt cho biết, theo khuyến cáo của WHO, 40% trường hợp ung thư có thể dự phòng, 30% được chữa khỏi nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời, 30% kéo dài thời gian sống cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống nhờ can thiệp các biện pháp điều trị.
“Phát hiện muộn bệnh ung thư đồng nghĩa với khả năng rất khó chữa trị thành công, làm giảm cơ hội sống của người bệnh, từ đó làm tăng gánh nặng kinh tế cho gia đình bệnh nhân và toàn xã hội” TS.Bs Hoàng Đình Chân chia sẻ.
Thực tế nghiên cứu đã chứng minh trên 80% nguyên nhân gây bệnh ung thư có nguồn gốc từ môi trường bên ngoài. VÌ vậy, tránh hoặc hạn chế các nguy cơ bên ngoài, chúng ta có thể phòng ngừa được nhiều loại ung thư.
Chính vì vậy, để phát hiện sớm bệnh ung thư nhằm làm tăng cơ hội sống của người bệnh, giảm gánh nặng về kinh tế, các chuyên gia y tế khuyến cáo, cần phải tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về căn bệnh này.
Khám sức khỏe tổng quát & phát hiện sớm Ung Thư
Khám sức khỏe định kỳ là một khái niệm xa lạ với hầu hết người dân Việt Nam. Đó là một trong những lý do khiến cho tỷ lệ tử vong vì ung thư ở Việt Nam luôn cao trong khu vực và trên Thế Giới
Khám sức khỏe định kỳ và khám sức khỏe tổng quát là một biện pháp hữu hiệu giúp phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường có nguy cơ phát triển thành bệnh lý, đặc biệt là nhiều bệnh lý nguy hiểm đang dần trở nên phổ biến hiện nay như: ung thư, tiểu đường, tim mạch, đột quỵ…
Mỗi năm nên đi khám sức khỏe định kỳ và khám sức khỏe tổng quát 1-2 lần, chi phí cho một lần đi khám sức khỏe định kỳ ít hơn rất nhiều so với số tiền phải bỏ ra để mua thuốc và điều trị lâu dài khi phát hiện bệnh.
Bệnh lý Ung thư không nguy hiểm như nhiều người vẫn nghĩ. Chúng ta có thể hoàn toàn chủ động Phòng và phát hiện sớm bệnh, ngoài việc có chế độ sinh hoạt hợp lý thì việc thăm khám sức khỏe thường xuyên sẽ giúp cho mọi người chủ động hơn nữa trong việc bảo vệ sức khỏe của mình và hơn hết “ Hãy biết lắng nghe cơ thể của chính mình”.
Theo Dantri